Mình vô tình biết đến chị Phiên Nghiên qua một người bạn và Project Freewriting của chị. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các bài viết của Trang Viết để tự do tại đây: https://vietdetudo.com/2019/11/05/ca-.... Sau đó mình đã cố gắng có được em Trái tim son trẻ và cả An trú giữa đời của chị luôn nè. Nói về An trú giữa đời, đây là lần đầu tiên mình đọc một quyển sách lần thứ hai và nhiều lần sau nữa, cứ hễ cảm giác cần một ai đó tâm sự, cần một điều gì đó xoa dịu cái sự bất ổn của tâm trí mình lại dở sách ra, chọn một bài viết yêu thích, đọc, thả hồn vào những dòng suy nghĩ, câu chữ, câu chuyện của tác giả. Rồi tự chiêm nghiệm những điều, những sự kiện đang diễn ra quanh mình. Đôi lúc tìm thấy câu trả lời mình có thể bám víu, đôi lúc không. Nhưng sự đồng cảm và bình yên sau khi đọc là món quà dễ thương, mình luôn được nhận sau mỗi lần đọc. An trú giữa đời, đối với bản thân là quyển sách lý tưởng dành cho khủng khoảng tuổi ba mươi. Chắc đây cũng là điều mà tác giả đã trải qua, nên những bé con cảm xúc của mình được hiển lộ sáng rõ. Lúc là niềm vui, lúc là nỗi bâng khuâng, tất cả điều được khắc họa sinh động trong từng mẫu chuyện mà chị kể. Là mình với những câu hỏi về ‘’Dòng thời gian’’ chạm đến nỗi buồn miên man mà đôi lần vẫn hay thường trực, đặc biệt khi mình chạm mốc ba mươi, hay bởi tại dấu ấn thời gian dần hiện rõ hơn ở độ tuổi này.‘’Thôi thì vừa vặn một đời’’ cho mình câu trả lời về cảm xúc mình nên chọn khi mình tiếp nhận sự ra đi của những người mà mình yêu thương, và cũng như chuẩn bị cảm xúc cho sự đón nhận điều-ai-cũng -phải- đối- diện cho chính mình. ‘’Ngạc nhiên chưa’’ tặng cho mình nụ cười khoái chí, vui tươi lắm luôn bởi cô học trò ngoài -sáu- mươi-tuổi vẫn quyết tâm, kiên trì học tiếng Anh của Mẹ tác giả. ‘’Lỗi tại những vì sao’’ khiến mình tim mình như thắt đau, nỗi buồn như cơn mưa xối xả lại kéo đến trước những câu chuyện thương tâm của cuộc đời mà mình chứng kiến, bất lực thường là người bạn mình không hề muốn gặp nhưng lại hay phải tiếp chuyện. Và nay mình đã có thể tìm một lý do để cố chấp nhận những nỗi buồn đó như một lời gợi ý mà tác giả chia sẻ. ‘’Tận hưởng một cuộc dạo chơi’’ cho mình hầu hết các câu trả lời về làm thế nào để có một cuộc đời tròn đầy, hạnh phúc trước khi chuẩn bị cho hành trình tiếp theo của bản thân. Hay ‘’Cho mà người không nhận’’ giúp mình hiểu hơn sự khác nhau của mỗi người, sự cho đi cũng cần lắm sự tỉnh táo và cả việc học cách cho đi, nếu không đôi lúc còn gây tác động tiêu cực đến người nhận. Và tim mình được sưởi ấm với ‘’Sống như tuổi ba mươi’’. Bài viết như nói hộ lòng mình, trùng hợp cũng đúng dịp mình mới chạm bạn ba mươi được hơn bốn tháng. Và còn nhiều, còn nhiều câu chuyện thú vị khác. Đọc những mẫu chuyện trong An trú giữa đời giúp mình hiểu nghệ thuật không phải là điều gì quá xa xôi, quá hào nhoáng hay to tát. Nghệ thuật đơn giản là sự ghi nhận, khắc hoạ chi tiết và sinh động những sự kiện của cuộc sống với trải nghiệm riêng, con mắt riêng, hoàn cảnh riêng của mỗi người. Bởi vậy, ai cũng có thế trở thành một người nghệ sĩ của chính mình, hay những người xung quanh. Cùng một vấn đề nhưng trải nghiệm, cảm xúc và phản ứng của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. ‘’Nghệ thuật không cần phải là ánh trắng lừa dối’’, bởi những chiếc mặt nạ làm người là cứ nhầm tưởng, làm người ta cứ bâng khuâng cho một điều gì xa xôi, một điều gì to lớn, là cuộc sống của người ta, con nhà người ta, là vợ là là chồng người ta mà quên sống tròn đầy cho những giây phút mà mình có được-những khoảnh khắc không bao giờ xuất hiện lần thứ hai trong đời. Cảm ơn tác giả đã gieo nên những hạt giống tròn đầy trong lòng người đọc như mình. Ngày mai đây, khi những hạt giống âm thầm lớn, âm thầm hóa thành cây, khu rừng xanh mát mẻ dù có gặp bão tố, nắng hạn vẫn biết chỉ có lòng mình bình an mới có thể An trú giữa đời.
Cực thích văn phong của chị Phiên Nghiên, đọc xong quyển này đã tranh thủ follow chị trên các trang mạng xã hội và cả page của chị. Đọc những bài viết ngắn của chị về các vấn đề thời sự, hay đơn giản là tản mạn mỗi ngày cũng làm mình biết thêm nhiều điều lắm.
Cầm cuốn sách lên ở hiệu sách còn bọc ni lông nên khôg được xem nội dung, chỉ xem ghi chú ở lưng sách nên còn hơi đắn đo. Mở ra đọc mới thấy lại tìm được một tác giả đồng điệu rất nhiều với mình, nhiều đoạn đọc như thấy chính mình nếu có viết ra cũng sẽ viết như vậy đó. Cảm ơn chị Phiên Nghiên rất nhìu <3
Gói gọn trong hai chương sách Ngắm Đời và Ngắm Mình, An Trú Giữa Đời như một cuộn phim gom lại bảy năm hành trình khám phá thế giới bên ngoài lẫn bên trong của Phiên Nghiên để tìm lời đáp cho những câu hỏi trong lòng, để hiểu chính mình, rồi cuối cùng nhận ra “Không còn khao khát nắm hết thế giới trong lòng tay, chỉ có ước muốn hiểu được lòng mình”.
Có thể bạn vừa tận hưởng một niềm hạnh phúc vô bờ, có thể bạn vừa mệt nhoài lội ngược dòng một nỗi buồn vô tận. Dù ta chọn nắm giữ hay buông tay bất kể điều gì trong những trùng điệp nỗi niềm đời đẩy đến, cuộc sống này vẫn luôn tiếp diễn theo cách riêng của nó. Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua những khoảnh khắc thấy lòng mình ngổn ngang và có khi vụn vỡ, thấy mọi thứ đáng chán, thấy đời bế tắc và sức mình cứ thế cạn kiệt dần. Bạn đừng tuyệt vọng, bởi chúng ta đều giống nhau và đều đang đi trên hành trình học bài học cuộc sống của chính mình, chặng đường mà vốn dĩ sẽ trải qua tất cả cung bậc buồn vui như một phần tất yếu. Giữa những khoảng bộn bề ấy, tôi những mong bạn dành chút thời gian đi qua và cảm nhận hành trình nhỏ của Phiên Nghiên, để ngắm nhìn, để nhận ra mình sống trên đời là để hạnh phúc, dẫu trong hạnh phúc đã ôm trọn cả những niềm đau.
Bạn có từng hỏi lòng mình câu hỏi nào không, những câu hỏi dấy lên liên hồi và chưa tìm được một lời giải đáp?
Lạ thay, rồi ta sẽ nhận ra dù khóc cười trăm nỗi, ta vẫn đang trôi cùng dòng chảy bất tận của cuộc sống này, từ từ đi qua từng cơn sóng vỗ, hân hoan đón nhận mỗi trải nghiệm để lớn lên, để mở lòng, để yêu thương, và để nhận ra được sống đã là một niềm hạnh phúc lớn lao biết chừng nào.
Lần đầu tiên đọc Trái tim son trẻ, mình đã điếu đổ Phiên Nghiên ngay lập tức, do mình tự tìm thấy bản thân đâu đó trong những trăn trở của cô tác giả. Lúc ấy, mình vừa trải qua những đổ vỡ trong tình cảm, và TTST giúp mình phần nào ôm ấp những vết thương ấy để tiếp tục yêu và hy vọng. Vì vậy, mình đã trông ngóng cuốn sách tiếp theo của Phiên Nghiên. Sách ra mắt trong lúc mình đang ở Pháp và khi về đến Việt Nam, mình lập tức đi tìm. Điều đáng nói là sách được xếp ở kệ Tôn Giáo nên trì hoãn mối duyên của mình với sách. Đang ở thời điểm bắt đầu lại từ đầu, Phiên Nghiên lại một lần nữa thỏ thẻ những băn khoăn trong suy nghĩ của mình. Đâu đó, mình và Phiên Nghiên cũng trải qua những điểm chạm cảm xúc: những đêm lạnh ở xứ người, những thời điểm nhận ra chỉ mong cầu sự an yên.
Đây là quyển sách mình tình cờ được tặng giữa lúc tâm trạng cực kì chơi vơi sau 1 cú sốc tình cảm. Từ đó quyển sách cũng đã đi theo mình trong 1 chuyến đi tìm về với thiên nhiên. Và quả nhiên đọc xong tâm trạng của mình cũng dần hồi phục tốt hơn. Biết đến quyển sách có lẽ cũng là 1 cái duyên. Quyển sách như lời tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng của tác giả mà qua đó chia sẻ những trải nghiệm, nhãn quan của tác giả ở những góc độ khác nhau trong cuộc sống giúp mở mang và xoa dịu tâm trí đang mụ mị của mình. Nói chung là mình thích, thích luôn cả tựa đề và bìa sách, lướt qua là thấy nhẹ nhàng an yên rồi.
Đôi lời biết ơn. Khép lại năm em 17 tuổi bằng ba sự kiện: cuộc chia tay đầu tiên trong đời, hành trình hiểu mình mà bỏ lại cả thế giới ở phía sau, có một người bạn mới. Trong chiếc review nhỏ này, xin dành sân khấu cho người bạn mới của mình nhé! "An trú giữa đời" đến với mình như một cái nắm tay chặt giữa những ngổn ngang đau đớn mà tuổi 17 dành cho mình, biết ơn là hai chữ thực tâm mình muốn gửi cho bạn An Trú và người mẹ của bạn. Cái nắm tay mình nói là sự ủi an trên từng con chữ, chữ vỗ về mình một cách nào đấy mà tim mình dần đầy lên, mình thấy, mình chẳng còn cô đơn. Đã có lúc mình từng nghĩ, An Trú như viết ra để cho mình, bạn ấy như là một tấm gương để mình soi chiếu chính mình và chỉ ra cho mình rằng, mình đã thương yêu đúng chưa, hay mình đã sống thực lòng với tất cả chưa. Điều mình mến nhất ở bạn là bạn luôn bảo mình rằng, dù chuyện gì có xảy ra, dù trời có sập thì vẫn phải sống tử tế, tử tế với mình, với người và với đời. Mình vẫn đang như vậy và sẽ mãi như vậy. Với mình, bạn là một cá thể sống, chẳng phải chỉ là sách vì bạn biết yêu, biết thương và cho đi nhiều, mà bạn còn cứu được mình là một cá thể sống khác, dạy mình biết yêu lại cuộc đời và thương lấy chính mình. Cảm ơn vì đã đến bên, vì đã làm điều đặc biệt nhất trong cái tuổi 17 mà mình nghĩ mình đã mất tất cả nhưng lại là được nhiều hơn cả. Lời biết ơn cuối mình xin gửi đến cô Thỏ và chị Phiên, cảm ơn cô vì đã ghép đôi em với An Trú, cảm ơn chị vì đã sinh ra An Trú. Em Phương nhờ gió gửi đến mỗi người một cái ôm chặt!
Tình cờ được giới thiệu ATGĐ vào một giai đoạn chênh vênh trong cuộc sống, cuốn sách mang đến cho mình những góc nhìn mới mẻ, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu lắng vào tận bên trong. Những câu chuyện nhỏ của tác giả luôn khiến mình vừa đọc, vừa suy ngẫm, vừa dùng chính những trải nghiệm của bản thân để hiểu được tâm ý ẩn sâu trong đó. Cảm ơn tác giả thật nhiều vì đã lan toả những điều tử tế nhỏ bé qua từng con chữ, để những độc giả như mình có cơ hội được bắt đầu hành trình về bên trong, tìm về những giá trị tốt đẹp nhất.
"An trú giữa đời" đến với mình vào một ngày êm ái. Và ngày đó trở thành ngày đẹp. Mình đã tặng cuốn sách này cho người mình thương, hy vọng người được an trú giữa bộn bề xuôi ngược. Giông bão dĩ nhiên có đó, thấp thoáng sau con chữ bình yên, bởi niềm an không tự nhiên mà có. Mình thích giọng điệu nhẹ nhàng của an trú giữa đời, mềm nhẹ như thể tác giả trong một phút lặng thinh, nhón tay rút sợi nắng vàng an yên mà đưa vào trang sách, giản dị tựa như hơi thở vậy. Cảm ơn niềm thương dịu dàng mà Phiên Nghiên đã nâng niu. Đọc sách, và biết rằng ta sống để mà thương <3
Mình thích văn phong nhẹ nhàng, thật thà, tình cảm trên từng con chữ của chị Phiên Nghiên. Cuộc sống được cảm nhận qua góc nhìn của chị thật nhẹ, gần gũi, đầy tính nhân văn và sâu sắc. Mình bất chợt nhận ra, à mình cũng từng gặp những câu chuyện như thế, có những người xung quanh mình cũng dễ thương như thế
nội dung nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, không loanh quanh kể lể, tui vẫn hay để ở bàn làm việc, lúc buồn buồn lấy đọc vài trang :D (sách kiểu này bình thường sẽ để 3 sao, nhưng 1 sao do có quen biết, và 1 sao cho cô tác giả dễ thương nữa :D )
Lâu nay, tôi đều có khuynh hướng đọc sách nổi tiếng của tác giả nước ngoài, cho rằng những kiến thức đó mới hợp thời nhất. Rồi "an trú giữa đời" đến, nhẹ nhàng ôm ấp, nhẹ nhàng xoa dịu, như bàn tay mát lành của mẹ xen vào mái tóc tôi thuở nào. Cái niềm tin đâu đó trong tôi như được bóc tách, vỡ dần ra, rằng tác giả người Việt mình viết hay quá. Cái được nhất tôi thu về sau cuốn sách, chính là được đi theo thời gian, tôi nhớ tôi tấm bé, tôi cũng nhớ những ngày tháng tự thân học hành để có được công việc ổn định, rồi tôi nhớ cả những ngày tháng yêu đương, cãi nhau cuồng nhiệt với chồng tôi bây giờ. Quá khứ là một chuyện, từng câu chữ trong sách đưa tôi đến hiện tại của tôi bây giờ. Làm tôi hình dung ra cái răng mẻ của đứa con ngây dại, tấm lưng to nhiều dầu nhiều mụn của anh chồng tôi hít hà từng đêm, những tán cây xanh tôi chậm rãi tưới nước, bón phân. Đó là hiện tại, tôi ôm hiện tại của tôi qua cuốn sách, ôm hết vào lòng.
Đặt tay gõ những dòng này vào ngày cuối cùng của năm 2020, một năm đầy biến cố với toàn nhân loại, trong đó có cả tôi. An trú giữa đời đến với tôi vào những ngày tôi ngập trong biến cố do chính tôi tạo ra, đó là mớ suy nghĩ quẩn quanh tràn đầy nghi ngờ trong chuyện tình cảm cùng với nỗi cô đơn khi ở một nơi không có một ai có thể nói chuyện và tâm sự. Trong vũng lầy dường như không có ánh sáng đó, tôi chọn đọc, đọc mải miết An trú giữa đời. Và cuốn sách đã giải thoát tôi. Hơn cả một người bạn, tôi trải qua trải nghiệm của tác giả một cách gián tiếp, nhưng chân thật, đúng vậy, không phải là kiểu bi kịch hóa hay hình tượng hóa quá nhiều nỗi đau và tình yêu, cuốn sách mộc mạc, chân tình, từng bước rẽ đường cho tôi bước ra khỏi ngày tăm tối. Tôi hiểu rằng tất cả vấn đề mà tôi gặp phải hoàn toàn là các vấn đề mà những người bình thường khác có thể gặp được, và nó cần phải xảy ra, ngay tại thời điểm đấy. Và bài học riêng cho chính tôi xuất hiện, tôi trầm mình trong cơn mưa bất chợt, học cách đón nhận nó trọn vẹn nhất, và nhìn sâu hơn vào bản thân mình, ôm và thương nó hơn. Một buổi sáng tháng Tám, trang 227 Trầm mình trong những cơn mưa, trang 238 Ừ thì nếu không đọc sách thì tôi chẳng thể biết được, thứ bình yên mình tìm kiếm lại đang ở ngay bên cạnh mình gần như vậy? Mặc dù đọc xong đã lâu, nhưng lúc nào tôi cũng đặt sách ở nơi dễ thấy nhất, đề mấy hôm mỏi mệt, hay bế tắc, tôi lại với tay mở một trang bất kì ra đọc. Thói quen đó gần giống như là chiếc chìa khóa để mở tâm trí tôi ra, tôi có câu chữ để bóc tách vấn đề mà tôi đang gặp phải, nhận ra rồi chấp nhận đối thoại với nó. Ai cũng có những mối duyên, duyên lành hay duyên ác là do chính cách đối xử của mình quyết định, và tôi thực sự biết ơn mối duyên lành của tôi với Toa Tàu, với chị Phiên Nghiên, và với An trú giữa đ���i. Thật ra lúc tôi mua sách, tôi không nghĩ nhiều hay kì vọng gì cả, chỉ là tôi có một niềm tin, tin vào giá trị của Toa Tàu và những con người sống hết mình ở đó, tôi tin đây là một cuốn sách dễ thương, đến cuối cùng, tôi có hơn cả thế! "Trầm mình trong mấy cơn mưa đời để được nhìn mình thật sâu và thật yên, thấy mình lung lay, thấy mình nứt vỡ, rồi có khi nước mắt chảy ra, trời ơi mình là một con người!" Nếu được so sánh cuốn sách này với một thứ, tôi sẽ chọn bài hát Một ngày không mưa của Ngọt. Vì sao ư, vì tôi luôn tưởng tượng đến người bạn nhẹ nhàng đến bên cạnh tôi, vỗ nhẹ vai tôi và nói, “Hình như có ai đang buồn Hình như có ai khóc Ngồi một góc trong căn phòng Nhớ những gì đã qua Đừng buông xuôi nhé Sẽ có một ngày nắng!”
Đọc để thấy lắng lại và an yên, để hiểu thêm rằng cách chúng ta tương tác, suy nghĩ, gửi đi thông điệp ra bên ngoài cũng là một sự giao thoa năng lượng. Năng lượng từ con chữ của chị Phiên làm mình cảm thấy bình an, nhẹ nhàng quá chừng. Đây là một cuốn sách có chiều sâu để chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, tưới tẩm tâm hồn.
Cảm ơn chị Phiên, cảm ơn rằng chúng ta còn có thể yêu thương nhau bằng suy nghĩ, bằng con chữ của mình.