Chỉ ngẫu nhiên chọn cuốn sách này cho ngày đầu năm mới nhưng càng đọc mình càng cảm giác "gieo" sẽ là một trong những từ khoá cho năm 2019 của mình.
Đúng thực là Sách Gieo đã truyền tải tinh thần của Toa Tàu tốt nhất từ trước đến giờ, từ niềm cảm hứng bất tận (nơi người lớn được là trẻ con, và trẻ con được là chính mình), cách tiếp cận (khơi nguồn từ bên trong chứ không phải truyền đạt từ bên ngoài), việc trải nghiệm 3 giá trị cốt lõi (Sáng tạo – Kết nối – Chữa Lành) thông qua các hình thức nghệ thuật đa dạng (viết, vẽ, âm nhạc, chụp ảnh, nhảy múa…). Mình cảm thấy thật may mắn khi ở Việt Nam có một nơi như Toa Tàu từng tồn tại, và mình thích việc Toa Tàu đã đến và đi như một lẽ tự nhiên (chỉ tiếc là cháu mình chưa lớn kịp để được một lần lên Toa Tàu). Những câu chuyện về Toa Tàu và những ý tưởng trong dự án Gieo hiện lên cứ như những mảnh ghép hoàn hảo và những con người xây dựng nên nó thực sự tuyệt vời. Mình rất mong muốn được tiếp xúc và học hỏi từ họ. Ôi, thèm được đồng hành cùng họ trên chuyến đi Gieo, dù chỉ một đoạn!
Lâu rồi mới có cảm giác chỉ muốn nhâm nhi từng chút một khi đọc một quyển sách, cứ vài dòng lại dừng lại nghiền ngẫm, đặt câu hỏi cho bản thân. Thật sự rất thích những phút giây đọc Sách Gieo vì nó mang đến cảm giác an lành, gợi mở, đầy cảm hứng và ngập tràn yêu thương.
- Trước đây mình không thích thực hiện những dự án cộng đồng vài ngày ở một địa phương vì nghĩ rằng nó không mang hiệu quả lâu dài/không thay đổi được gì, và mang tính thoả mãn nhu cầu của người trao hơn là người nhận. Nhưng ý niệm “Gieo ký ức đẹp” trong đây đã mở rộng góc nhìn của mình hơn.
- Khi thực hiện một dự án cộng đồng, hãy tìm cách lôi kéo cộng đồng địa phương cùng chung tay thực hiện.
- Nhiều lần, mình đã luôn thắc mắc về việc làm sao để gặp lại đứa-trẻ-bên-trong mình. Trong quá trình đi du lịch, mình bắt đầu khám phá thế giới bằng con mắt của một đứa trẻ và đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Ở đây, mình chạm tới một câu trả lời khác: hãy tr��i nghiệm chơi đùa nhiều hơn. Chơi đùa không phải là trò nhảm nhí dành cho bọn trẻ con, và làm người lớn không phải chỉ biết những việc “nghiêm túc”, “có nghĩa”.
- Là một người yêu thích sự đa dạng văn hoá, mình luôn nghĩ làm thế nào mà người dân địa phương có thể nhận ra và trân trọng vẻ đẹp nơi họ sinh ra và lớn lên. Việc Gieo đã làm thực sự là một gợi ý tuyệt vời: chia sẻ với người dân về vẻ đẹp đó thông qua góc nhìn tươi mới của một người ngoài. Mình nghĩ rằng đây là một món quà ý nghĩa mình có thể dành tặng cho những người bạn bản địa trong những chuyến đi du lịch sau này (thay vì chỉ mải miết đặt câu hỏi cho họ!)
- Hiểu rằng nghệ thuật không cao siêu; rằng viết, vẽ, chụp ảnh, gấp giấy… cũng chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp và biểu đạt và vì thế không quan trọng đúng, sai, hay, dở.
- Khái niệm “hold a space” (giữ một không gian) được lồng ghép trong các chương nhưng mình nghĩ nó xứng đáng có một không gian riêng trong cuốn sách. Nếu mình không tham dự buổi chia sẻ lần trước của các thành viên Toa Tàu ở Đường Sách, có lẽ mình sẽ không hiểu được và để trôi tuột khái niệm này trong quá trình đọc.
Cuối cùng, mình cũng đang trong quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thế nào là một cuộc đời đáng sống?” và mình rất thích tập hợp những chữ này:
SỐNG YÊU CƯỜI THỞ CHƠI ĐÙA ÔM CHẠM NGẮM NGHE VIẾT VẼ THƯƠNG YÊN VUI CHỤP KỂ MÚA HÁT